Khu vực Penghu kể từ khi được triều đại nhà Nguyên cai quản và khai thác phát triển tới nay đã hơn 700 năm, là khu vực có sự cai quản của chính quyền sớm nhất trên toàn Đài Loan, lúc bấy giờ thuộc huyện Tấn Giang phủ Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Quá trình phát triển như vậy đã khiến di tích lịch sử và nhân văn của Penghu càng phong phú đa dạng hơn, vì vậy bất kể là phố cổ Zhong-yang, ngôi chùa thờ Bà Thiên Hậu Tian-hou-gong có lịch sử hơn 400 năm, chiến trường cổ thành Quang Tự hay những cảnh quan nhân văn như văn hóa dân gian cổ truyền, đều khiến cho nét cổ xưa của Penghu được khoác lên mình một vẻ đẹp khác biệt.
Kiến trúc kiểu hợp viện và nhà ở trong các cụm dân cư của Penghu phát huy phong cách kiến trúc của Mân Nam, và tuân theo tinh thần đạo Trung dung truyền thống của Trung Quốc, là một kiến trúc nhà ở kiểu hợp viện gồm gian nhà chính ở giữa, các gian nhà ngang gọi là Hộ Long nằm song song và đối xứng với nhau ở hai phía phải và phía trái, kết hợp với cửa chính Môn Tráo hoặc Môn Lầu ở chính giữa phía trước với tạo hình có nhiều biến hóa khác nhau kết nối thành một khối; nhà ở trong các cụm dân cư thường được bố trí theo khái niệm luân thường kiểu cài răng lược “hậu tôn tiền ti” (tức gia đình có địa vị hơn ở phía sau, gia đình địa vị thấp hơn ở phía trước). Trong đó cụm dân cư thôn Er-kan xã Xi-yu là khu bảo tồn các cụm dân cư cổ xưa của toàn Đài Loan, ngoài ra quần thể nhà cổ ở thôn Zhong-she xã Wang-an và thôn Sha-gang xã Hu-xi với cảnh quan văn hóa phong phú cũng đều rất đậm nét tiêu biểu.
Nét văn hóa dân dã của Penghu, được khắc họa bởi sự bền bỉ dẻo dai và sự không thỏa hiệp trước thách thức của thiên nhiên trong tính cách người Penghu. Có thể thấy được sự tôn thờ trời đất và thiên nhiên chính là tín ngưỡng chủ yếu của người Penghu thông qua việc tại 97 thôn làng thuộc toàn huyện có tới hơn 180 kiến trúc tôn giáo có giấy phép gồm đền chùa, Phật tự và nhà thờ, đây cũng là nơi có tín ngưỡng thờ “Bia đá Thái Sơn Thạch Cảm Đương” có mật độ cao nhất toàn Đài Loan; trận đồ “ngũ doanh” thờ thần binh thần tướng bảo vệ xung quanh chùa chiền làng mạc, những nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng dân gian, những ô trồng rau được quây bằng tường đá coral stone (đá san hô), những bẫy cá thủy triều được xếp bằng đá và các cụm nhà ở dân cư kiểu hợp viện, đã tạo nên nguồn tài sản văn hóa phong phú cho Penghu.